Gương điển hình người tốt, việc tốt Gương điển hình người tốt, việc tốt

Ni sư truyền cảm hứng cho các hoạt động thiện nguyện
Publish date 12/03/2021 | 14:49  | View Count: 68

Thuyết nhà phật cho rằng: “Mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có một nhân duyên. Nhân duyên chính là hạt giống được gieo trồng qua nhiều đời, nhiều kiếp”.

Xem với cỡ chữ Đọc bài viết

Với ni sư Tích Tịnh Quán nhân duyên đến với cửa phật chùa Đình Quán, phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội bắt đầu từ năm 1987. Sau khi sư trụ trì mất, năm 2011, được phật tử và nhân dân tín nhiệm, ni sư làm trụ trì chùa từ đó đến nay. Năm 2008, ni sư bắt đầu tham gia công tác tại Văn phòng Giáo hội phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, đến năm 2012 thì chuyển công tác tại Ban sáng kiến Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam. Trải qua nhiều năm tu hành, giảng đạo, công tác tại các vị trí khác nhau, ni sư luôn là người gương mẫu trong mọi hoạt động của xã hội và công tác Phật sự. Không chỉ truyền giảng Phật pháp, vận động phật tử sống theo pháp luật, trách nhiệm với gia đình và xã hội, ni sư còn say mê với các hoạt động thiện nguyện với cộng đồng và được các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương tặng bằng khen, giấy khen.

6 năm qua, cùng với CLB thanh thiếu niên phật tử, phật tử và thanh niên tình nguyện, ni sư đã đứng ra tổ chức triển khai hoạt động phát cơm, cháo miễn phí tại bệnh viện E cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vào sáng thứ 6, sáng thứ 7 hàng tuần nhằm giúp họ vơi bớt khó khăn. Đều đặn, đêm thứ 5 hàng tuần, ni sư và tất cả mọi người tập trung ninh cháo, làm ruốc nấm từ 1-2 giờ sáng để phát vào hôm sau. Thu dọn xong xuôi sau khi phát, mọi người lại tất bật chuẩn bị  200-250 suất cơm kịp phát vào sáng thứ 7. Mỗi người mỗi công mỗi việc: phật tử vo gạo, nhặt rau, ni sư nấu cơm, sư bác nấu đồ ăn, thanh niên phật tử canh lửa, vận chuyển đồ...

Ngoài ra, cứ tới Tết nguyên đán, ni sư lại tất bật liên hệ, vận động đến từng “Mạnh Thường Quân” để có nguồn tài trợ tổ chức gói bánh chưng phát từ thiện tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổng số tiền huy động được khoảng 30.000.000 đồng. Người góp công, người góp gạo, người góp tiền... Trung bình mỗi năm phát khoảng 600-800 suất, mỗi suất bao gồm 1 bánh chưng chay và 1 vỉ sữa.

Với tâm niệm sống “tốt đời đẹp đạo”, “một miếng khi đói bằng 1 gói khi no” dù chỉ là bát cháo chay, suất cơm chay hay bánh chưng chay nhưng tất cả chứa đầy tình thương, tình người, tất cả đều xuất phát từ trái tim nhân hậu của người ni sư luôn trăn trở hàng đêm phải làm sao để chúng sinh bớt khổ. Những giọt mồ hôi lăn dài bên bếp lửa mỗi đêm, đôi bàn tay thoăn thoắt khuấy liên lục nồi cháo to, dáng người nhanh nhẹn xách từng túi đồ,... Tuy vất vả nhưng ni sư chưa bao giờ để các hoạt động từ thiện này bị gián đoạn, kể cả trời nắng hay trời mưa, kể cả lúc ốm đau bệnh tật.

Bằng những việc làm cụ thể, Ni sư Thích Tịnh Quán đã thể hiện sự dung hòa giữa chữ đạo và chữ đời trong công tác phật sự và thiện nguyện, đưa chánh pháp vào những hoạt động thiết thực vì môi trường hướng tới tầng lớp phật tử nói riêng và truyền bá phật pháp nói chung.

Xuất phát từ việc người dân sử dụng hóa chất độc hại quá nhiều khi trồng rau hoặc bỏ hoang ruộng lên thành phố làm việc, ni nư Thích Tịnh Quán đã nảy ra suy nghĩ trồng rau sạch hữu cơ để cung cấp bữa ăn cho nhà chùa, gia đình phật tử và đặc biệt có nguyên liệu sạch để nấu các suất cơm thiện nguyện phát tại bệnh viên E hàng tuần. Ni sư đã cùng với một số phật tử triển khai mô hình trồng rau sạch hữu cơ tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội với diện tích khoảng 5.000m2. Không quản ngại sớm tối, có thời gian là ni sư lại về làm vườn. sư đã truyền dạy cho nông dân nơi đây cách thức trồng rau sạch hữu cơ, tự làm và sử dụng phân giun quế chăm bón cho rau, thay thế hoàn toàn cho việc sử dụng hóa chất độc hại... Sự tận tâm và nhiệt huyết của ni sư đã được mọi người dân nơi đây hưởng ứng tích cực.

Tại chùa Đình Quán, trong năm tổ chức từ 5 – 10 khóa tu, mỗi khóa kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng với số lượng đông khoảng hơn 200 người tham gia với đủ các thành phần, như: thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên... xa có, gần có. Nhận thấy cơ sở vật chất của chùa không đáp ứng đủ nhu cầu tu tập, ăn ở tại chùa, đặc biệt trong các khóa tu mùa hè, tiết trời nóng bức, các em nhỏ phải ngủ chen chúc trong gian phòng nhỏ, ngồi tu tập tới tận cửa ra vào, ni sư Thích Tịnh Quán không khỏi băn khoăn, suy ngẫm: “Phụ huynh đã tin tưởng vào phật pháp, tin tưởng chùa nên mới gửi gắm nơi đây. Vậy thì phải làm sao để có thể đáp ứng các điều kiện cơ bản nhất về nơi tu tập, sinh hoạt cho các em. Nhìn các e ngồi nghe giảng mồ hôi đầm đìa ướt áo mà thương quá, xót quá”. Nghĩ là làm, ni sư đã lặn lội vất vả vận động từng cá nhân, tổ chức ở khắp mọi nơi để có nguồn kinh phí xây dựng nhà thiền đường với tổng số tiền khoảng 3.000.000.000 đồng. Có kinh phí thôi chưa đủ, vì chùa Đình Quán là di tích đã được xếp hạng nên việc xây dựng, sửa chữa phải tuân thủ theo pháp luật. Ni sư đã lắng nghe ý kiến góp ý của các cấp chính quyền từ thành phố đến phường, không quản ngại nắng mưa, đường sá xa xôi tích cực phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn hoàn thiện hồ sơ theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật, mong sao sớm có thể hiện thực hóa khát vọng giúp đời của mình.

Ngoài giảng đạo lý nhà Phật, ni sư thường trực tiếp xây dựng các chương trình lồng ghép nội dung sống xanh thiện lành với môi trường thông qua các bài giảng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...; trao đổi, giao lưu, hướng dẫn các bạn trẻ tái chế đồ đã qua sử dụng, tự gieo hạt trồng rau, thu hoạch rau, thi nấu cơm chay,...; định hướng cho họ lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên.

Luôn đồng hành, định hướng cho câu lạc bộ thanh thiếu niên phật tử, ni sư Thích Tịnh Quán thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên nhà chùa; đốt lá cây làm phân bón tự nhiên; tự tay trồng, chăm sóc cây xanh, làm tiểu cảnh...

Đi nhiều nơi, học tập được nhiều kinh nghiệm, ni sư rất tâm đắc với mô hình sử dụng túi giấy thay thế túi ni lông. Ứng dụng đầu tiên ni sư nghĩ đến chính là dùng túi giấy để gói lộc. Ni sư đã tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu vật liệu, cách làm, kiểu dáng, mẫu mã... sao cho phù hợp, tiết kiệm nhất có thể. Ban đầu hoạt động được triển khai tới các sư cô, sư bác trong chùa, sau này đã trở thành hoạt động thường xuyên mỗi tối của thanh niên, phật tử. Ai cũng hoan hỉ với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ nhất. Chị Nguyễn Thị Đào – thành viên CLB thanh thiếu niên phật tử chùa Đình Quán chia sẻ: “Khi những chiếc túi giấy tự làm được mọi người vui vẻ đón nhận, chúng tôi càng có thêm động lực để tiếp tục. Việc tự tay làm những chiếc túi giấy ngoài bảo vệ môi trường, còn giúp chúng tôi luyện tính kiên trì, nhẫn lại”. Để mô hình này có tính ứng dụng hơn nữa, ni sư đã lên ý tưởng và cùng bàn bạc với các bạn trẻ vẽ hình ngộ nghĩnh, viết các câu đạo lý, triết lý đầy ý nghĩa và nhân văn của nhà phật lên trên túi giấy đựng quà cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu. Hoạt động này đã được phụ huynh và các em nhỏ đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình.

Dân tộc ta từ ngày dựng nước đến nay đã trải qua bao lần thăng trầm, biến động lịch sử, xuyên suốt quá trình đó Phật giáo luôn khăng khít, keo sơn, đồng hành cùng vận mệnh quốc gia, dân tộc. Đầu năm 2020, dịch Covid – 19 bùng phát trên toàn thế giới khiến cho nền kinh tế của các nước sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã khiến cho nhiều người dân Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với suy nghĩ muốn đồng hành góp sức, chung tay với chính quyền địa phương giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn  do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ni sư Thích Tịnh Quán đã vận động quyên góp từ nhiều nguồn khác nhau cùng với Đảng ủy – HĐND – UBND – UB MTTQ phường hỗ trợ 25 suất quà cho các hộ cận nghèo và 32 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất quà trị giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Và để tiếp tục hoạt động thiện nguyện này, ni sư đã chủ động cùng CLB thanh thiếu niên phật tử chùa Đình Quán làm bánh chưng chay, ruốc chay, trồng rau hữu cơ... để bán gây quỹ.

Ngày 17/5/2020, ni sư đã cùng các bạn trẻ đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật bẩm sinh, trẻ em mồ côi cha mẹ trên địa bàn huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm để trao 63 suất quà (mỗi suất trị giá 550.000 đồng) trong mùa đại dịch.

Trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không thể tổ chức hoạt động phát cơm, cháo miễn phí, ni sư đã cùng các sư cô, sư bác chùa Đình Quán tăng gia sản xuất trên cánh đồng 5.000m2 tại huyện Phúc Thọ để có nguồn cung cấp thực phẩm sạch thường xuyên chuyển đến bệnh viện E và trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái.

Trải qua hơn 20 năm tu hành Phật pháp, tổ chức hàng trăm lượt hoạt động có ý nghĩa cho đời, ngoài việc được ban, ngành, hội đoàn thể các cấp ghi nhận qua những tấm bằng khen, giấy khen, ni sư Thích Tịnh Quán còn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của không những phật tử và nhân dân phường Phúc Diễn mà còn của rất nhiều phật tử, nhân dân tại các tỉnh thành khác.

Lan tỏa những việc tốt trong xã hội là mục đích cao đẹp của công tác thiện nguyện và là đỉnh cao của tinh thần phật giáo nhập thế. Câu chuyện của ni sư Thích Tịnh Quán là 1 trong vô vàn những tấm lòng hành thiện trên mọi miền tổ quốc, âm thầm bền bỉ đóng góp cho đời.

Bài viết: Mai Anh